Hoa cải cuối mùa
Năm nó học cấp hai, người ấy vào cấp ba, thì nhà họ chuyển về Hà Nội do bác trai nghỉ hưu, ở đó tiện cho con cái ăn học. Khi ấy nó chưa có cảm xúc gì, chỉ tiếc vì xa hàng xóm vốn rất thân thiết với nhà mình.
Họ liên lạc trở lại với nhau khi nó vào đại học còn người ta đang đi thực tập. Ra trường nó đi làm gần công ty người ta. Đó như là thần tượng của nó, một anh chàng đẹp trai, tài giỏi và cư xử vô cùng mẫu mực. Người ta đã thành lập công ty riêng và còn tự mua được chung cư nên cứ mê mải làm, ít về nhà. Bác gái, mẹ của người ta cuối tuần nào cũng nhiệt tình “nhờ” nó đến phụ nấu ăn, để lấy cớ gọi cậu con trai cưng về.
Tháng 11 đang mùa hoa cải, nghe đồng nghiệp rộn ràng rủ nhau đi chụp ảnh khiến nó cũng xốn xang. Một lần đi café nó làm bộ vô tình kể chuyện, rồi tranh thủ nhắn nhe: “Chúng làm em nhớ đến những luống hoa, vàng cả bãi bồi ven sông ở quê. Em thích những bông cải mượt từng cánh, ghép lại thành một thảm màu thật quyến rũ”.
Người ta phì cười rồi sốt sắng “Để cuối tuần này anh dẫn em đi”.
“Anh có thời gian cơ à, mà biết chỗ không đấy?”.
“Nơi trồng hoa cải cách nhà anh đâu có xa. Thư giãn tí, sang tuần sẽ làm việc hăng say hơn cho mà xem”.
Khi còn bé nhìn những vườn hoa cải, nó thấy dửng dưng, lớn hơn một chút nó mới biết rung cảm mạnh mẽ trước cái đẹp mong manh, giờ nhìn những bông hoa vàng cánh mỏng ấy tim nó lại khẽ run lên, như một cô gái đã biết yêu.
Đến nơi nó choáng ngợp trước rừng hoa đẹp lạ lùng: “Anh cùng ai đến đây rồi à?”
Anh cười lớn “Có chứ, nhiều lần là đằng khác”, rồi anh cười híp mắt như muốn “trêu ngươi” nó. “Đi cùng mấy thằng bạn thích đú làm nhiếp ảnh gia của anh. Cái bọn cũng học đòi lãng mạn và yêu nghệ thuật như em ấy”. Nó cười khoái chí và dưới cánh đồng hoa vàng rực rỡ, nó thả cho mái tóc tung bay.
Anh miệt mài “tác nghiệp”, “lợi dụng” nắm tay nó để nắn nót từng khung hình, ánh mắt nó nhìn vào máy ảnh, nhìn anh như trao gửi bao niềm yêu thương.
Chưa ai nói tiếng yêu nhưng dường như con tim họ đã thuộc về nhau, nhìn ánh mắt người ấy nó tin mình không hề ngộ nhận và nó ngày đêm mong chờ anh nói ra tiếng lòng mình. Hai bên bố mẹ có vẻ “ưng cái bụng” lắm rồi vì dù sao hai nhà đã có mối thâm giao bao nhiêu năm, hiểu rất rõ về nhau… Nó cứ đợi, ngày này qua ngày khác.
Thế rồi những cuộc hẹn hò, điện thoại, tin nhắn người ấy gửi thưa dần, lời mẹ anh mời đến nhà ăn cơm cũng vắng bóng, nó hụt hẫng và cảm thấy khó hiểu.
Tháng 3, vẫn còn mưa phùn li ti rơi, trong một hôm giá rét trở lại nó được mời đến dự đám cưới người ta. Nó gặp bác gái, bác có vẻ không thực sự vui, chỉ nắm tay nó rồi hỏi “bố mẹ con không đến à?” rồi quay mặt đi, hình như bác trai cũng ngại.
Trước cô dâu và vài người khách, nó được giới thiệu là em gái, sống cùng khu tập thể từ bé. Đôi má nó đã được điểm phấn hồng mà sao gương mặt vẫn không thể nhuận sắc. Dù nó cười tươi lắm, thành thực chúc anh chị hạnh phúc. Nó nhận thấy chị ấy không được xinh và có phần kênh kiệu, nó chào hỏi rất thân tình mà chị chỉ nhếch mép.
Lúc đi cùng đoàn nhà trai sang đón dâu nó đã choáng với dinh cơ nhà gái. Nó bỗng nhớ lần đi ăn tất niên cùng công ty người ta, nghe phong thanh công ty dạo này gặp khó khăn, chẳng có việc mà làm. Cả chuyện người ta mạo hiểm đầu tư vào bất động sản và chết dí, nợ đầm nợ đìa… Bạn thân của người ta đã khẳng định cho những nghi ngờ của nó, ra là chị ấy thích người ta đã lâu và gia đình chị thừa khả năng cứu người ta ra khỏi khó khăn hiện tại.
Tan tiệc cưới, giữa trời mưa xuân lất phất nó liều lĩnh phóng xe máy một mạch hơn trăm cây số để về quê, nó không về nhà mà chạy xe thẳng ra bãi bồi ven sông Hồng. Đâu đây vẫn còn màu hoa vàng, những bông hoa cải cuối mùa thôi rực rỡ mà hơi rủ xuống vì dính mưa. Nước mắt nó hay là mưa rơi chảy xuống má, âm ấm, mằn mặn.